NHỮNG KỶ LỤC LẠ LÙNG

Một câu hỏi đơn giản: làm thế nào mà một đội bóng (ở đây là Pháp) chỉ ghi được 3 bàn thắng trong 4 trận đấu, mà 2 trong đó là từ cầu thủ đối phương phản lưới nhà và 1 bàn từ phạt đền - tức là không có bất cứ bàn thắng nào từ bóng sống, lại có thể vào đến tận tứ kết? Đó là một kỷ lục, một "thành tích" độc nhất vô nhị trong lịch sử các kỳ EURO trước đây.

Mbappe vẫn mờ nhạt so với chính tài năng của anh

Và làm thế nào mà một đội bóng khác (ở đây là Bồ Đào Nha) đã chơi 120 phút đầy bế tắc trước Slovenia, và ngôi sao lớn nhất của họ (Ronaldo) đã bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội khác, trong đó có cả một quả phạt đền, cũng vào được tứ kết?

Câu trả lời cho đội đầu tiên: hàng thủ. Trong 4 trận đã đấu, Pháp chỉ để lọt lưới 1 bàn cũng từ bóng chết (phạt đền). Câu trả lời cho đội thứ hai: cũng là hàng thủ, nhưng chi tiết hơn, thủ môn. Cả hai đội có chung một mẫu số là cùng sở hữu những siêu sao hàng đầu thế giới, và cho đến lúc này, họ đều gây thất vọng.

Đội Pháp có mặt ở tứ kết theo cách ít ai ngờ

Dù đã vào đến tứ kết và các cổ động viên đã ăn mừng suốt đêm 1.7 ở Dusseldorf cũng như nhiều nơi khác, nhưng chắc chắn người Pháp hiểu rằng không thể cứ đá như thế mà vô địch EURO. Đối với đội tuyển Pháp, vấn đề lớn của họ chính là không thể ghi bàn. Mbappe chỉ ghi được 1 bàn ở giải này từ chấm phạt đền, và khi không ghi bàn, anh kiến tạo cho đồng đội. Rắc rối chính là ở những người đá quanh anh, vì hiện tại Pháp không có một Papin thời đỉnh cao, không sở hữu một Giroud tuổi đôi mươi, cũng không còn Benzema nữa. Thuram, người được HLV Deschamps bố trí đá chính ở vị trí trung phong, đã gây thất vọng khi bỏ lỡ các cơ hội, lúc thì bằng chân, lúc lại bằng đầu. Cần có một sự thay đổi, nếu không sẽ lại tiếp tục là những trận đấu buồn ngủ và Deschamps, ở năm thứ 12 dẫn dắt dội Pháp, tiếp tục bị chỉ trích là đã quá già cỗi và bảo thủ, đến mức sau mỗi trận đấu ở giải này ông đều tìm một lý do nào đó để bao biện cho màn trình diễn dưới mức coi được.

PHẢI CÓ CUỘC "CÁCH MẠNG" Ở TỨ KẾT

Ở EURO 2016, Pháp ghi 13 bàn thắng. Khi đăng quang ở EURO 1984, Platini và các đồng đội ghi được 14 bàn, cho đến giờ vẫn là một kỷ lục. Năm 1968, Ý cũng lập kỷ lục là ghi bàn ít nhất mà vẫn vô địch, chỉ 3 bàn, nhưng ở giải đó họ chỉ phải đấu có 3 trận, một tỷ lệ còn cao hơn Pháp lúc này, khi HLV Deschamps có một dàn sao đủ khiến HLV Spalletti của đội Ý đã bị loại vô cùng thèm muốn.

Mbappe là người dẫn đầu một hàng công với Muani, Thuram, Dembele, Giroud, Griezmann. Thế mà họ vẫn không ghi bàn thì quả là một chuyện kỳ lạ. Nhưng HLV Deschamps dù sao vẫn có thể ôm gối tạm thời ngủ yên. Với Maignan vững trãi trong khung thành, với Upamecano không mắc những lỗi ngớ ngẩn, với Saliba là thủ lĩnh tỉnh táo, và ở hai biên, Kounde và Hernandez đã thực sự trưởng thành, đội bóng của ông thật khó bị vượt qua.

Bồ Đào Nha cũng thật lạ lùng

Hàng thủ Bồ Đào Nha cũng là một chỗ dựa đáng tin cậy, nhưng họ chưa tạo ra sự an toàn như Pháp. Pepe đã có một pha xử lý suýt gây thảm họa cho đội nhà và nếu trong khung thành của họ không phải là Diogo Costa, Pepe và Cristiano Ronaldo chắc chắn sẽ phải rơi nước mắt nhiều nữa và trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận đất nước Iberia này về những sai lầm.

Hai lão tướng, một người 41 tuổi, người kia 39 tuổi, đã tạo ra những bước ngoặt nghiêm trọng của trận đấu mà chỉ nhờ sự non kinh nghiệm của Slovenia và sự xuất sắc của Costa, một người hùng đến giờ mới bước ra ánh sáng, mới không phải trả giá đắt. HLV Martinez cũng nhờ thế mà không bị chỉ trích về việc đã giữ Ronaldo trên sân trong suốt cả trận đấu chỉ để giúp anh ghi bàn. Một kết cục có hậu cho tất cả nhờ đôi tay vàng của một thủ môn, người chắc chắn là xuất sắc nhất sau Vitor Baia, nhưng ít nổi tiếng hơn, bình dị hơn.

Người Ý trước đây từng chiến thắng bằng lối đá phòng ngự. Giữ cho không thủng lưới hoặc ít thủng lưới là mục tiêu số 1 của họ. Nhưng họ vẫn ghi những bàn thắng để đời nhờ phản công. Pháp và Bồ Đào Nha không thế, họ tấn công, nhưng khi không ghi được bàn thắng thì họ lại "sống sót" nhờ cách của riêng mình. Trận tứ kết là cơ hội để người ta nhìn thấy họ không giống như các trận đấu qua, nhưng liệu các HLV có tìm được phương cách nào để thay đổi trong thời gian quá ngắn như thế? Đợi các siêu sao tự tỉnh thức và tin rằng cứ sút thì rồi cũng sẽ vào? Hay sẽ lại là một trận tứ kết nhạt nhòa?